“CHƠI VÕ”

Thời gian Hè, tôi nhận được nhiều điện thoại của phụ huynh xin cho con tập luyện võ thuật trong mấy tháng Hè. Nhu cầu “vui chơi” với võ & thể thao của mọi trẻ em trong Hè là rất cao, bởi bố mẹ đều mong muốn con cái mình có một mùa Hè bổ ích. Nhưng có mấy lý do khiến tôi phải từ chối các trường hợp xin “chơi võ” trong tháng Hè, vì:

  • Nó không đem lại nhiều giá trị rèn luyện cho người học.
  • Công tác tổ chức tập luyện của clb bị ảnh hưởng bởi những bạn “đi chơi võ”.
  • Không gian tập luyện của chúng tôi không đủ để đảm bảo chất lượng: Nếu tiếp nhận cả các trường hợp “chơi võ” 3 tháng Hè thì chúng tôi sẽ không đủ không gian vận động hiệu quả cho những võ sinh vẫn đang rèn luyện dài hạn cùng Vietnhatclub.

Quan điểm & nhu cầu tìm nơi vui chơi cho con cái là đúng đắn & phù hợp với mục đích của nhiều người. Nhưng với chúng tôi việc đó là không nên với Võ, vì:

  1. Võ là phải Học:
  • Khi bố mẹ đưa con tới lớp Võ, tức mong muốn con mình học hỏi & trưởng thành hơn. Học sinh cần được học tập các kiến thức & kỹ thuật từ đơn giản và nâng cao dần. Chính vì vậy, có những động tác sẽ thực hiện lặp lại nhiều lần tới khi học viên thực sự nhuần nhuyễn, nếu tới lớp võ với suy nghĩ “Chơi” thì chắc chắn mau chóng chán.
  • Với suy nghĩ là “Chơi” nên nó cũng ảnh hưởng tới hành vi & ứng xử của người tập & phụ huynh. Bố mẹ có thể chép miệng xuề xoà kiểu: trời nóng cho con mặc quần đùi áo phông tới lớp, mồ hôi ra đỡ phải giặt nhiều. Phụ huynh dễ dãi hơn trong việc tham gia động viên & hỗ trợ con em tập luyện là một trong những nguyên nhân sai lầm nhất.
  • Với học sinh, vì suy nghĩ rằng bố mẹ cho mình “chơi võ” trong mấy tháng Hè nên tập luyện cũng chẳng cần phải cố gắng. Chỉ cần thể hiện động tác theo yêu cầu của thầy giáo cho có, hoạt động nào vui thích thì tham gia, không vui thì thôi. Võ sinh sẽ không hề có khái niệm “gắng sức” để thể hiện. Từ đây, nó sẽ dẫn tới một sai lầm lớn hơn đó là “Thái độ sai”, mà trong mọi hoạt động học tập & làm việc thì Thái Độ luôn quan trọng hơn Trình Độ.

2. Văn ôn Võ Luyện:

  • Câu nói này đúng ở muôn đời, muốn giỏi thì phải nhọc công. Khi đổ mồ hôi để thay đổi bản thân & đạt các mục tiêu từ nhỏ tới lớn, một võ sinh mới hoàn thiện bản thân hơn mỗi ngày.
  • Cơ thể con người cần rèn luyện, vì khi ngừng rèn luyện cơ thể sẽ suy kém dần đi. Cơ thể con người không phải là cỗ máy với một định mức công suất sẵn có. Nếu học viên với tâm thế “chơi võ” sẽ không bao giờ cần cố gắng để cơ thể mình khoẻ mạnh hơn, thực hiện vượt khả năng nỗ lực của bản thân.
  • Vì xác định “vui chơi” nên học viên chỉ tập luyện khi tới lớp võ. Sau khi kết thúc buổi học vui vẻ xong thì cũng là lúc học sinh quên hết những gì đã tập – tức là buổi sau tới lớp lại được vui chơi là được.

3. Tinh thần tinh tấn:

• Võ thuật không chỉ là một hoạt động thể chất bình thường, nó còn là một “phương thức của Thiền đạo” mà Sư tổ Bồ Đề Đạt Ma đã tạo dựng nên để các Đạo sinh rèn luyện thực hành thiền.

• Khi duy trì tập luyện Võ thuật với một suy nghĩ nghiêm túc, tức lúc ấy học sinh đang thực hành Thiền. Tập luyện Võ với một sự nỗ lực và cố gắng đó là thực hành “Pháp Tinh Tấn” trong Thiền. Có thể nói, tập luyện võ thuật chính là phương pháp rèn luyện “Thiền động”.
4. Khoa học & An toàn:

    • Tập luyện võ là các hoạt động tập luyện thể chất được tổ chức khoa học nhằm phát triển con người. Nếu tập võ với suy nghĩ “vui chơi” trong ngắn hạn thì cũng có ảnh hưởng về hành vi tổ chức của võ sinh.
    • Khi tổ chức tập luyện võ thuật cần sự tương tác với người khác & không gian võ đường, để đảm bảo an toàn cho võ sinh & mọi người thì cần sự nghiêm túc & tập trung. Nếu chỉ nhằm mục đích vui chơi thì rõ ràng nguy cơ mất an toàn sẽ gia tăng khi mục đích không phù hợp.

    Dựa vào kinh nghiệm nhiều năm tập luyện & giảng dạy võ thuật, tôi chân thành mong mỏi phụ huynh & võ sinh nên lưu tâm khi tham gia tập luyện võ thuật:

    • Học Võ là một môn học đặc thù, nó đòi hỏi người học tự khám phá khả năng giới hạn & nỗ lực vượt qua các nỗi sợ hãi & đau đớn của bản thân. Thực tế, với công nghệ hiện nay bạn dễ dàng tiếp cận thông tin kiến thức trên mạng nhưng thực sự khó khăn khi không có sự áp đặt & tổ chức để giúp bạn hoàn thiện.
    • Học Võ cũng giống như học Ngoại ngữ, có thể coi là những môn học và rèn luyện “phản xạ” (phản xạ vận động, phản xạ ngôn ngữ). Nó đòi hỏi việc trải nghiệm hàng ngày, đa dạng và tiếp xúc từ từ để thẩm thấu vào cơ thể những giá trị rèn luyện.
    • Hãy tập luyện với một Tâm thế “Học Võ” để bản thân luôn đạt tới những suy nghĩ phóng khoáng & chân thành. Với Tâm thế đó, người học thể hiện sự tôn trọng bản thân & mọi người. Khi đó, võ sinh sẽ được gợi mở nhiều giá trị sống.
    • Hãy luyện tập với Tinh thần “Chuyên nghiệp”. Chính vì suy nghĩ “chơi võ” nên Thái độ & Hành vi của võ sinh ít nhiều bị ảnh hưởng. “Chuyên nghiệp” hay “Nghiệp dư” không nằm ở mục đích của việc Tập luyện mà nó ở Thái độ của bạn khi tham gia.
    • Dễ thay đổi hoặc từ bỏ chính cũng xuất phát từ suy nghĩ “chơi võ” để rồi thời gian qua đi võ sinh sẽ gắn mác cho chính bản thân mình. Việc tập luyện võ thuật giống như leo núi vậy: dừng lại và quay đầu đi xuống thì luôn dễ dàng, quyết định bước tiếp khi ở lưng chừng núi là một sự dũng cảm ghê gớm. Cũng không nhiều môn học đòi hỏi một sự đấu tranh nội tâm lớn như võ thuật (có thể sánh ngang với hội hoạ & âm nhạc). Nó đòi hỏi võ sinh đấu tranh khi cơ thể đau nhức, mệt mỏi, áp lực từ bạn tập và thầy giáo, một sự chú ý để ghi nhớ thông tin.

    Chính vì những lẽ đó, tôi tha thiết mong rằng các bậc phụ huynh tin tưởng & duy trì hoạt động tập luyện võ thuật & thể thao cho con cái một cách nghiêm túc, bền bỉ để chúng ta có thể truyền tải các giá trị rèn luyện cho thanh thiếu niên Việt nam mạnh mẽ & kiên định với đam mê của bản thân.

    Trân trọng,
    Bùi Việt Bằng – Chủ nhiệm Vietnhatclub

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *